HƯỚNG DẪN CÁCH THỞ TRONG TỪNG KIỂU BƠI
Nếu ai đã từng học bơi hoặc quan tâm tới việc học bơi đều hiểu kỹ thuật thở ở dưới nước quan trọng đến thế nào. Tùy vào từng kiểu bơi sẽ có những cách thở khác nhau. Và hôm nay Trung Tâm Dạy Bơi Cấp Tốc Hà Nội sẽ cùng chỉ cho bạn nhé!
Bơi bướm: vấn đề thực sự nằm ở việc lấy hơi đúng lúc. Người bơi lấy hơi vào cuối giai đoạn kéo-đẩy của tay kết hợp với việc đưa cằm về trước khi thở như “gân cổ cãi với ai” nhằm tạo động tác bay ngang mặt nước. Bơi bướm mà bay cao như con bướm là hỏng! Việc lấy hơi phải nhanh để đầu ngay lập tức trở vào nước nhằm giữ cho động tác cân bằng nhất có thể. Trong bơi bướm, thở thường được thực hiện kiểu “một nín một thở” để cơ thể có tính “thủy động học” hơn.
Bơi ngửa: là kiểu bơi đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ chân để giữ cơ thể nổi và nằm ngang. Đó là lý do tại sao việc thở đúng rất quan trọng để cung cấp đủ oxy cho các chi dưới. Khi bơi ngửa, mặt của bạn hướng lên trời và bạn dễ lấy hơi hơn. Khó khăn ở đây liên quan đến vấn đề về nhịp hô hấp hơn là sự sẵn có của không khí. Theo tần số chuyển động, chu kỳ thở sẽ nhanh hơn hoặc chậm hơn. Bạn sẽ hít vào và thở ra kết hợp với thời điểm vung tay lên mặt nước. Hít vào ở tay này và thở ra ở tay kia.
Bơi ếch: Ưu điểm của bơi ếch là bạn hít vào với mọi chuyển động nhô lên khỏi mặt nước của vai, cho phép không khí hít vào thoải mái hơn. Hít vào qua miệng trong giai đoạn quạt vào của cánh tay. Giống như bơi bướm, thở trong bơi ếch là động tác thở với đầu nhìn về trước. Thở ra phải dài và liên tục trong suốt giai đoạn mặt chìm dưới nước.
Bơi sải: Kỹ thuật thở trong bơi sải chắc chắn là khó nhất để làm chủ. Động tác quay đầu sang bên để thở dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng và kỹ thuật động tác. Thở đúng trong bơi sải là không cần phải đưa toàn bộ mặt ra khỏi nước, mà chỉ cần đưa miệng lên khỏi mặt nước để có thể hít vào “trong vùng lõm” của nước được tạo ra ngay khóe miệng. Thở ra, luôn luôn liên tục, khi đầu quay trở lại trong nước. Người bơi có thể thở bên trái, bên phải hoặc cả hai bên. Một số người thích bơi sải 2 tay thở một lần (thở một bên) để đỡ mệt. Một số khác lại thích bơi sải 3 tay thở một lần (thở hai bên) để giữ sự cân bằng tốt hơn trong khi bơi. Còn ở VĐV bơi chuyên nghiệp, họ có thể bơi 10 tay thở một lần hoặc hơn thế nữa khi cần thiết phải tăng tốc.
Tóm lại:
Thở trong khi bơi là một kỹ thuật không dễ “xơi”, phải rèn luyện nhiều mới tạo được sự kết nối tốt với các chuyển động khác.
Cùng với thời gian trao dồi, động tác thở dưới nước cũng sẽ diễn ra hết sức tự nhiên như cách thở trên cạn của bạn vậy.
Trong bơi lội, thở là mắt xích quan trọng trong động tác phối hợp hoàn chỉnh.
Khi bạn bơi không tốt, đôi khi bạn phải cải thiện cả kỹ thuật bơi lẫn kỹ thuật thở vì cách bạn thở có thể tạo nên sự khác biệt trong kỹ thuật bơi.
Trên đây là những chia sẻ về kỹ thuật thở mà Trung Tâm Dạy Bơi Cấp Tốc Hà Nội đã gửi đến bạn. Hãy đăng ký ngay một khóa học tại Trung Tâm để có kỹ năng thở dưới nước, quạt tay, chân chuyên nghiệp và đúng kỹ thuật nhé!